Giải đáp: Thiền là gì? Ngồi thiền sao cho có hiệu quả?
Thiền là một khái niệm không còn xa lạ ngày nay, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được bản chất thực của thiền. Vậy thiền là gì? Ngồi thiền có tác dụng gì cho sức khỏe? Bài viết sau đây WheyShop sẽ giải đáp mọi thắc mắc của các bạn về đề tài thiền là gì ngay nhé!
» Tham khảo Whey Protein tăng cơ giảm mỡ đang khuyến mãi giá rẻ tại đây : https://wheyshop.vn/category/whey-protein-html
1. Định nghĩa về Thiền
Thiền là gì? Từ trước đến nay, khi nhắc đến thiền, nhiều người thường nghĩ ngay đến một phương pháp tu hành để rèn luyện tâm trí của Phật giáo. Tuy nhiên, thực tế là thiền đã có trước cả khi Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời.
Thiền có nguồn gốc từ triết học Ấn Độ cổ đại, nó không chỉ xuất hiện trong Phật giáo mà còn có trong nhiều tôn giáo khác như Kitô giáo, Đạo giáo, Jaina giáo…
1.1 Thiền là gì?
Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về thiền là gì, ví dụ như trong Phật giáo, thiền dùng để chỉ những phương pháp thực hành nhằm rèn luyện tâm trí của người tu hành.
Trong Yoga, thiền là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ của bản thân mà quên đi mọi việc bên ngoài. Chính vì vậy nên trong Yoga, thiền còn được gọi là Dhyana có nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”.
Theo từ điển, thiền định là hướng sự chú ý của mình vào một điều duy nhất và được dùng như một hành động tôn giáo hoặc một phương tiện để giúp lấy lại sự bình tĩnh và làm thư giãn cơ thể. Một định nghĩa khác lại cho rằng, thiền định là bất cứ hành động nào nhằm giữ sự chú ý một cách thoải mái vào giây phút hiện tại. Khi đó, ta sẽ không còn có các phản ứng đối với các sự việc quá khứ hoặc tương lai, mà các sự việc trong quá khứ và tương lai là hai nguyên nhân chính đưa đến căng thẳng thần kinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
1.2 Thiền trong Phật giáo
Thiền trong Phật giáo không chỉ hướng tới mục đích giúp tâm trí của ta tĩnh lặng mà còn là hướng đến sự thanh lọc, loại bỏ các phiền não trong tâm trí, những ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ tham – sân – si – mạn – nghi. Ngoài ra, thiền trong phật giáo còn là để nuôi dưỡng, phát triển những đức tính tốt như lòng từ bi, sự tự tin, trí tuệ… giúp người thực hành đạt được trạng thái tinh thần tích cực, có được những hiểu biết mới về cuộc sống.
Có hai phương thức chính trong thực hành thiền phật giáo là
- Thiền định (thiền chỉ): Là cách tu tập để luyện tâm, mục đích hướng đến là sự bình an và tĩnh lặng trong tâm. Thiền định được thực hiện thông qua việc tập trung vào hơi thở của mình, tĩnh tâm để nhận thức về bản chất của các luồng suy nghĩ, hành động, diễn biến của sự vật, sự việc xung quanh mình. Người thực hành thiền định sẽ đạt được trạng thái hạnh phúc trong hiện tại; được thanh lọc tâm trí, cơ thể; được giải phóng khỏi các phiền não.
- Thiền quán (thiền tuệ/ thiền minh sát): Là cách thực hành hướng đến sự phát triển của trí tuệ và sự thông suốt về tâm linh. Để thực hành thiền quán, cần phải đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng để quan sát, thấu hiểu sự vật, sự việc, hiện tại với tất cả sự chú tâm sâu sắc nhất. Thiền quán là sự kết nối sâu sắc của tâm và thân, là hành trình khám phá bản thân mình của mỗi cá nhân để thật sự hiểu mình tới tận gốc rễ. Thực hành thiền quán cuối cùng mục đích là để đạt tới sự hạnh phúc từ tâm trí, hướng đến sự cân bằng về trí tuệ, lòng từ bi và tình thương, không còn bị phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài tác động, chi phối.
Dù có những chức năng riêng nhưng trong thực hành, thiền định và thiền quán là hai phương pháp có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, hỗ trợ cho nhau trong suốt quá trình tu dưỡng về tâm linh, trí tuệ.
1.3 Ý nghĩa của thiền trong đời sống
Thực hành thiền không chỉ là ngồi thiền mà còn bao gồm cả thiền hành (thiền khi đi bộ), nằm thiền (thiền khi nằm), thiền khi ăn…Nhưng tất cả các phương pháp thực hành thiền đều hướng tới sự tập trung hoàn toàn của tâm trí vào hành động đang làm.
Điều này nghe có vẻ dễ dàng nhưng trong thực tế chúng ta luôn luôn bị các suy nghĩ, cảm xúc nảy sinh và chi phối mọi lúc, mọi nơi. Đơn giản như vừa quét nhà vừa nghĩ ngày mai ăn gì? đang lái xe lại lo con cái đi học có ngoan không? đang nấu cơm lại lo dự án mới ở cơ quan… Tất cả những luồng suy nghĩ, những cảm xúc phát sinh trong khi chúng ta đang làm một việc khác làm ta bị xao nhãng, mất tập trung, không toàn tâm toàn ý cho giây phút hiện tại.
Chính vì vậy mà chúng ta tìm đến thiền để: Cải thiện sự tập trung và trí nhớ, giảm bớt lo âu và mệt mỏi,… trong cuộc sống với biết bao muộn phiền, lo toan.
=> Tham khảo 1 buổi tập Yoga đốt bao nhiêu calo tại đây: https://wheyshop.vn/1-buoi-tap-yoga-dot-bao-nhieu-calo.html
2. Tác dụng của việc ngồi thiền
Những tác dụng mà thiền là gì? Thiền đem lại cho con người là rất đa dạng, một số tác dụng nổi bật mà chúng ta có thể kể đến đó là:
2.1 Giải tỏa căng thẳng, giảm stress
Nhiều nghiên cứu của các trường đại học nổi tiếng thế giới đã chỉ ra rằng thiền thường xuyên có khả năng làm giảm mật độ chất xám ở các vùng não liên quan đến lo lắng và căng thẳng. Vì vậy, thực hành thiền sẽ giúp cải thiện nhiều vấn đề về cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, giảm stress, cải thiện chứng rối loạn lo âu và giúp ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm. Những người tập thiền thường xuyên thường có xu hướng yêu đời, suy nghĩ tích cực, an nhiên hơn so với những người không tập.
2.2 Giảm buồn ngủ, cải thiện trí nhớ
Một số nghiên cứu của Mỹ đã cho thấy ngồi thiền thường xuyên có tác dụng làm giảm tình trạng buồn ngủ mà vẫn giữ được sự tập trung cao độ. Điều này có được có thể là do việc tập thiền sẽ giúp ngủ ngon hơn. Không những vậy, thiền còn giúp tăng cường trí nhớ bởi nó kiểm soát được sự căng thẳng và stress – yếu tố hàng đầu gây nên mất tập trung và suy giảm trí nhớ.
2.3 Tăng cường miễn dịch
Trong quá trình ngồi thiền và hít thở nhịp nhàng, cơ thể bạn sẽ cần ít oxy hơn, do đó tim sẽ đập ít hơn, đồng nghĩa với việc huyết áp sẽ giảm xuống. Thiền cũng làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở những người bị bệnh tim, làm tăng kháng thể và giúp hệ miễn dịch phản ứng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
2.4 Giảm đau
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thiền có tác dụng giảm đau đầu tuyệt vời hơn cả morphine, một giờ tập thiền có thể làm giảm đến 40% cường độ đau và giảm cảm giác khó chịu do đau tới 57%.
2.5 Cải thiện chứng tăng động
Trong một số nghiên cứu với các bệnh nhân là người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý, người ta nhận thấy rằng thiền định đã giúp nhóm người này giảm được tính hiếu động, bốc đồng và cải thiện được kỹ năng “hành động có ý thức”.
2.6 Làm chậm quá trình lão hóa
Quá trình lão hóa nhanh hay chậm tùy thuộc vào tốc độ mà bạn tiêu thụ oxy. Trong khi đó, quá trình ngồi thiền khiến cơ thể bạn điều chỉnh lại hô hấp, nạp ít oxy hơn. Chính vì vậy những người thường xuyên ngồi thiền sẽ có ngoại hình trẻ hơn khá nhiều so với tuổi thật.
=> Tham khảo thêm những bài tập Yoga uốn dẻo cơ bản tại đây: https://wheyshop.vn/bai-tap-uon-deo-co-ban.html
3. Hướng dẫn cách ngồi thiền hiệu quả
Để việc luyện tập có hiệu quả, thì trước hết bạn cần phải biết ngồi thiền sao cho đúng cách
3.1 Giữ đúng tư thế
Điều quan trọng nhất khi tự ngồi thiền tại nhà là bạn cần phải giữ đúng tư thế, lưng phải thẳng. Nếu bạn ngồi thiền trên ghế thì tốt nhất là đừng dựa vào ghế và hãy ngồi thật ngay ngắn. Điều này giúp bạn duy trì sự tỉnh táo và cho phép bạn tập trung vào thiền định dễ dàng hơn.
3.2 Rèn luyện khả năng tập trung
Trong quá trình thiền, bạn có thể nhắm mắt hoặc mở mắt bởi dù thế nào thì mục tiêu cuối cùng của quá trình thiền là để luyện khả năng tập trung. Nếu bạn thấy mình tập trung vào hơi thở tốt hơn khi nhắm mắt thì tốt nhất là bạn nên nhắm mắt. Còn nếu thấy mệt mỏi và ngủ gà ngủ gật mỗi khi nhắm mắt thì hãy cố gắng mở hé mắt và nhẹ nhàng tập trung nhìn vào không gian trên sàn nhà trước mặt.
3.3 Tập thiền đều đặn mỗi ngày
Ngồi thiền 10 phút mỗi ngày tốt hơn nhiều lần so với việc ngồi 60 phút trong một ngày duy nhất trong tuần nên dù bận rộn thế nào thì bạn cũng hãy cố gắng sắp xếp thời gian dành ra vài phút cho thiền mỗi ngày nhé!
Ngoài ra, bạn nên bắt đầu thiền trong khoảng thời gian ngắn khoảng 5 phút để làm quen dần sau đó mới tăng dần thời gian lên khi thấy thoải mái với phương pháp này. Nếu vừa làm quen mà bạn đã cố thiền trong 30 phút ngay từ đầu thì chắc rằng bạn sẽ thấy khá bực bội và nản chí.
3.4 Lựa chọn địa điểm yên tĩnh để tập
Nên chọn những không gian yên tĩnh để luyện tập bởi nếu xung quanh có ít yếu tố gây phân tâm thì bạn sẽ tập trung tốt hơn và khiến quá trình thiền trở nên hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, khoảng thời gian tốt nhất để bạn luyện tập thiền định thường là vào buổi sáng sớm bởi đây là khoảng thời gian cơ thể vừa được thư giãn sau giấc ngủ, bạn sẽ có ít suy nghĩ khiến bản thân bị phân tâm hơn.
3.5 Mặc trang phục thoải mái
Khi ngồi thiền, bạn nên tránh mặc trang phục bó sát. Hãy chọn những trang phục bạn thường mặc để tập thể dục hoặc đi ngủ, những loại quần áo dễ thở, thoáng mát được xem là lựa chọn sáng suốt nhất.
3.6 Nên có người hướng dẫn tập luyện
Ngồi thiền luôn là khó khăn với người mới bắt đầu, để đạt hiệu quả cao đòi hỏi một quá trình luyện tập lâu dài và người tập phải có tinh thần vững vàng. Ngoài ra để có thể tiết kiệm thời gian và công sức bạn có thể tìm một người thầy để được hướng dẫn cách ngồi thiền sao cho hiệu quả nhất. Với những người có các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, hoang tưởng, hoặc thường xuyên suy nghĩ tiêu cực thì tuyệt đối không được tự học thiền tại nhà.
=> Tham khảo thêm về Hatha Yoga tại: https://wheyshop.vn/bi-an-dang-sau-hatha-yoga-la-gi.html
Mong rằng qua bài viết trên cùng WheyShop, bạn đã hiểu rõ hơn thiền là gì cũng như những lợi ích của việc ngồi thiền. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.